Di Tích Am Chúa Nha Trang Linh Thiêng Bậc Nhất Việt Nam

Nói đến các điểm du lịch Nha Trang thiên về tâm linh, du khách đa phần thường quan tâm nhiều nhất đến Chùa Long Sơn, hay sau này là Trúc Lâm Tịnh Viện. So với hai điểm đến nổi tiếng này, Am Chúa có vẻ lặng lẽ hơn, nhưng đây lại là không gian lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Khánh Hòa.

Di Tích Am Chúa Nha Trang Linh Thiêng Bậc Nhất Việt Nam

Danh mục

  • Am Chúa Nha Trang ở đâu?
  • Hướng dẫn đường đi đến Am Chúa Nha Trang
  • Lịch sử Am Chúa
  • Truyền Thuyết Linh Thiêng Về Am Chúa
  • Kiến trúc của Am Chúa
  • Lễ hội Am Chúa hằng năm
  • Nội quy khu di tích văn hoá lịch sử Đại An – Núi Chúa

Am Chúa Nha Trang ở đâu?

Cách Nha Trang 25km hướng về Diên Khánh, Am Chúa được xây dựng trên một ngọn đồi có tên là núi Đại An (còn gọi là núi Dưa), thuộc thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh.

am chúa Nha Trang

Hướng dẫn đường đi đến Am Chúa Nha Trang

Từ trung tâm thành phố Nha Trang để đi đến Am Chúa khá dễ dàng. Có hai con đường cho bạn lựa chọn: một là qua đường 23/10 hướng từ nhà thờ Đá Nha Trang đi lên và Quốc Lộ 1C, hai là thông qua Quốc Lộ 1A.

am chúa Nha Trang

Thông qua Quốc Lộ 1C hoặc 1A bạn đều có thể đến được chợ Tân Đức (khoảng 10 cây số, di chuyển trong vòng 20 phút). Từ đây đến Am Chúa chỉ còn 5Km, đường đến Am Chúa bạn có thể hỏi người dân quanh vùng ai cũng biết. Đoạn đường ngắn sau khi qua Cầu Mới sẽ có bảng chỉ dẫn đường lên Am Chúa cho bạn. Đến chân núi Đại An, bạn có thể gửi xe phía dưới và đi bộ lên Am Chúa.

Lịch sử Am Chúa

Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Đại Điền" ở cách huyện Phước Điền 11 dặm về phía Bắc, tục gọi là núi chủ sơn, thế núi cao cả, chu vi hơn trăm dặm. Tương truyền đây là chỗ hiển linh của Thiên – y – a – na – diễn – bà, cấm người vào núi hái củi, cây cối um tùm, thường có ánh sáng thiên chiếu xuống.

Năm Tự Đức thứ 3 đổi tên như hiện nay và chép vào điện thờ. Toàn bộ cảnh sắc và địa thế Am Chúa thật hữu tình và phù hợp phong thủy, với thế đất “Tiền thủy, hậu sơn”. Đứng trên Am Chúa ta có cảm giác như thoát khỏi chốn trần tục mà thầm nghĩ, biết ơn ông cha ta đã khéo chọn nơi đây làm nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y mà cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên tôn thờ trên vùng đất trù phú và có bề dày lịch sử.

am chúa Nha Trang

Am Chúa là nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na - Bà Mẹ xứ sở đã khai sáng và truyền dạy cho dân chúng cách làm ăn, sinh sống. Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Y A Na được bắt nguồn từ tục thờ Bà Ponagar của người Chăm.

Hay nói đúng hơn, những người Việt đến định cư ở đất này đã Việt hóa tục thờ Bà Mẹ xứ sở của người Chăm bằng truyền thuyết về Bà Thiên Y A Na giáng trần tại núi Đại An và hiển thánh ở Tháp Bà - Nha Trang. Đến nay, ở Khánh Hoà vẫn lưu truyền câu nói: “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh” như một lời khẳng định về sự nối liền giữa di tích Am Chúa với Tháp Bà Ponagar.

Trong đời sống tâm linh của người dân Chăm và người Việt ở Nam Trung Bộ, Thánh Mẫu Thiên Y A Na bảo trợ cho mọi nghề nghiệp, Bà thường hiển linh để cứu nhân độ thế. Tục xưa truyền rằng Bà là người đã dạy dân chúng nơi đây cách trồng lúa, làm ruộng, dệt vải, cách chữa bệnh,..

am chúa Nha Trang

Ngoài ra, Bà còn là vị phúc thần phù hộ cho việc buôn may, bán đắt, cầu mùa màng, trị dịch bệnh,.. Hầu như trong tất cả mọi ngành, nghề ở Nam Trung Bộ đều in đậm tín ngưỡng thờ bà.

Không phải ngẫu nhiên mà hai di tích Tháp Bà và Am Chúa trở thành hai di tích thờ Mẫu quan trọng nhất trong tỉnh, bản thân mỗi di tích chứa đựng những giá trị vật thể và phi vật thể riêng biệt nhưng chúng lại có mối liên kết không thể tách rời. Biểu hiện qua các đối tượng thờ phụng, nghi thức cúng tế, truyền thuyết dân gian, lễ vật dâng cúng, phong tục tín ngưỡng của người Việt ở Khánh Hòa.

Truyền thuyết linh thiêng của Am Chúa

Theo truyền thuyết của người Việt, ngày Bà giáng trần (hạ giới) tại Am Chúa là ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch, và ngày Bà thăng thiên (bay về trời) tại Tháp Bà là ngày 23 tháng 3 âm lịch. Nơi hiển Nhân và chốn hiển Thánh của Mẫu là hai di tích đặc biệt quan trọng của người Việt và người Chăm.

Tuy nhiên, để phù hợp với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của mình, người Việt đã Việt hóa rất nhiều yếu tố văn hóa cũng như đối tượng thờ cúng của người Chăm, chính sự tiếp biến văn hóa này tạo nên sự đa dạng trong sắc thái văn hóa tại Tháp Bà. Còn di tích Am Chúa là do người Việt xây dựng để thờ Mẫu Thiên Y, nên các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng đối tượng thờ cúng ở đây thuần Việt.

Nhưng chúng gặp nhau trong tâm thức thờ Mẹ – Mẫu Thiên Y A Na, người độ trì, che chở cho muôn dân Khánh Hòa; hoạt động thờ cúng Mẫu của người Việt và người Chăm tại hai di tích tạo nên nét văn hóa đặc sắc, sức sống mãnh liệt và bền vững.

am chúa Nha Trang

Qua các truyền thuyết, truyện kể dân gian đến thờ phụng thể hiện sự tiếp nối liên tục về văn hóa, tín ngưỡng, Am Chúa đã mang trong mình những giá trị của hai nền văn hóa Chăm – Việt.

Tuy rằng có những dấu ấn khác nhau, song phải khẳng định hình tượng Thiên Y A Na là một sáng tạo của người Việt, có cội nguồn từ hình tượng Po Nagar của dân tộc Chăm và đều xuất phát từ hình tượng hiện thân cho người mẹ sáng tạo muôn loài.

Theo một tấm bia đá được ghi lại từ năm 1865 ở Tháp Bà, Am Chúa được coi là nơi sinh sống của Bà Po Nagar lúc thơ ấu, còn Tháp Bà ở cầu Xóm Bóng chính là nơi thờ tự Bà sau khi hiển thánh. Tuy không biết chính xác năm Am Chúa được xây dựng nhưng sau vài lần được trùng tu và chỉnh sửa, Am Chúa đã dần trở nên khang trang và vững chắc cho tới ngày nay.

Ngoài ý nghĩa văn hóa - tâm linh, Am Chúa còn là di tích lịch sử chứng kiến cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của nhân dân xứ Trầm. Phía sau lưng Am Chúa còn lưu lại các dấu tích của lô cốt và giao thông hào đá (bề thành có 4 mặt, cao hơn 3m và dày đặc lỗ châu mai) do thực dân Pháp xây dựng trong những năm chiếm đóng.

Đặc biệt là cây Mã Tiền trước sân Am Chúa, cây cổ thụ này có tuổi thọ lên đến 350 năm và cũng là nơi dùng làm cột cờ để hội tụ và khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân. Với nhiều giá trị văn hoá, lịch sử như vậy nên từ năm 1999, Am Chúa đã được nhà nước xếp hạng vào di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Kiến trúc của Am Chúa

Hệ thống kiến trúc thờ tự tại Am Chúa có nhiều nét tương đồng với kiến trúc các đình làng Khánh Hòa. Cấu trúc thờ tự có sự phối thờ, phối tế gần giống với các công trình kiến trúc tín ngưỡng trong tỉnh và đây chính là một đặc điểm tín ngưỡng của người dân Khánh Hòa.

Các công trình kiến trúc ở Am Chúa gồm: Tam quan, mộ ông bà Tiều, Bia ký, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành, Chánh điện.

am chúa Nha Trang

Am Chúa được xây dựng năm nào không rõ, nhưng trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay am đã là một nơi thờ phụng trang nghiêm, tôn vinh huyền sử về Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

Trước khi đến Cổng Đại An Tam Quan Môn, bạn sẽ phải thể hiện lòng thành của minh bằng cách leo hơn 100 bậc tam cấp được lát đá hoa cương.

am chúa Nha Trang

Sau khi qua đến cổng, một đôi rồng đá uy nghi, được điêu khắc vô cùng sống động sẽ đón chào bạn. Cấu trúc của Am Chúa bao gồm nơi bái đường và chính điện, kiến trúc khá giống các chùa tại Việt Nam với các hình tứ linh "Long, Lân, Quy, Phụng" được đắp nổi, đặc biệt gian bái đường còn có đôi câu đối bằng chữ Hán kể về sự tích của Thánh Mẫu. Ở gian bái đường còn đắp nổi đôi câu đối bằng chữ Hán ghi lại sự tích Bà Thiên Y A Na.

am chúa Nha Trang

Giữa chính điện là nơi thờ Thánh Mẫu, hai bên là khám thờ Lục vị Tiên cô và Thập nhị Tiên Nương. Bên tả bàn thờ Thánh Mẫu là ban thờ Tứ vị Thái tử và Thập nhị hành khiển, còn được gọi là ban thờ Cậu (Hoàng tử Trí – con trai Thánh Mẫu); bên hữu là ban thờ Lục vị Tiên cô và Thập nhị Tiên Nương, còn gọi là ban thờ Cô (Công chúa Quý – con gái Thánh Mẫu).

Tất cả các ban thờ trong Chánh điện đều được làm bằng gỗ quý, chạm khắc hoa văn, họa tiết tinh tế, đặc sắc. Toàn bộ Chánh điện có kết cấu vì nóc kiểu vì kèo, các hàng cột cái và cột quân được làm từ gỗ quý có giá trị cao.

am chúa Nha Trang

Nổi bật nhất bên trong miếu chính là bức tượng của Bà Po Nagar. Tượng Bà được làm bằng đất nung, cao khoảng 1m, được đặt trang nghiêm trong khám thờ cao tới 1m5, trước tượng Bà có đặt một đôi hạc đứng trên lưng rùa, bên dưới có bàn thờ.

Nhìn chung cách bài trí tại đây vô cùng đơn giản, không cầu kì, được trang trí với trang phục, góc nhìn của văn hóa người Việt và người Chăm, tạo cho nơi đây một sự nhẹ nhàng và thanh thoát.

am chúa Nha Trang

Ngoài ra, tại đây còn có sắc phong của Vua Tự Đức dành cho Bà Thiên Y A Na với tựa “Hồng Nhơn phổ tế linh cảm diệu thông, Mặc tướng trang huy thượng đẳng thần” - điều này góp phần thể hiện giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt của Thánh Mẫu dưới triều Nhà Nguyễn.

Lễ hội Am Chúa hằng năm

Hàng năm, vào những ngày đầu tháng 3 (âm lịch), lễ hội Am Chúa được tổ chức, thu hút lượng khách hành hương rất lớn. Với nhiều nghi lễ cổ truyền như múa bóng, hát văn, tế lễ… lễ hội Am Chúa đang bảo tồn nhiều giá trị văn hoá tinh thần mang đậm dấu ấn bản sắc văn hoá của xứ Trầm Hương.

Ngày xưa, “vào các dịp cúng xuân thu nhị kỳ trong năm ở Am Chúa, quan đầu tỉnh là người có trách nhiệm tổ chức và đứng ra làm chủ lễ với các hình thức rất trang trọng theo quy định của triều đình.

am chúa Nha Trang

Điều này càng khẳng định vị trí của tín ngưỡng Thiên Y A Na đối với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương mang yếu tố văn hóa tộc người trong quá khứ cũng như hiện tại ở Khánh Hòa là rất sâu đậm”. Điều này lại càng khẳng định vai trò to lớn của Am Chúa trong hệ thống di tích và tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na.

am chúa Nha Trang

Lễ hội này hàng năm thu hút một lượng lớn du khách hành hương cả người Chăm lẫn Việt đến để dâng lễ và cúng bái với xiêm y đủ màu sắc, trông vô cùng bắt mắt và lộng lẫy.

Nội quy khu di tích văn hoá lịch sử Đại An – Núi Chúa

Khi đến lễ bái tham quan di tích mọi người phải ăn mặc văn minh, lịch sự.

Nghiêm cấm việc xâm phạm đến di tích không được di chuyển, làm hư hại tài sản hiện vật, phá hoại cây xanh, đục đá, khắc chữ và săn bắn xung quanh khu vực di tích.

Các hoạt động tín ngưỡng truyền thống văn hoá tại Đại An – Núi Chúa phải chấp hành đúng theo quy định của nhà nước và theo sự hướng dẫn của ban quản lý khu di tích.

Nghiêm cấm các hoạt động mê tín như: đồng bóng, bói toán, cúng sao,…xuyên tạc nội dung di tích – lịch sử và các hành vi gây rối an ninh trật tự khác.

Nghiêm cấm mang các chất gây nổ vào khu vực di tích.

Cấm bán hàng rong, ăn vặt bừa bãi, vệ sinh phải đúng nơi quy định.

Am Chúa là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Nha Trang với nhiều lễ hội đặc sắc và thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Là không gian lưu trữ những nét văn hoá đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Khánh Hoà, nếu có dịp ghé Nha Trang, thì Am Chúa là điểm tham quan không thể bỏ qua.

Thông tin liên hệ

Xem bản đồ

Địa chỉ:

Thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền - Diên Khánh

Điện thoại:

Đang cập nhật

Email:

info@nhatrangtoday.vn

Góp ý bài viết