Ẩm thực Ninh Hòa hấp dẫn du khách xa gần
Ẩm thực Ninh Hòa đa dạng với rất nhiều món ăn khác nhau, những món quà quê gần gũi, dung dị như chính con người Ninh Hòa hiền hậu, thân thiện. Nếu có cơ hội du lịch đó đây thì hãy dành ít nhất một ngày để khám phá danh thắng và món ăn của vùng đất này nhé!
Thông tin liên hệ
Địa chỉ:
Đang cập nhật - TP. Nha Trang
Điện thoại:
Đang cập nhật
Email:
info@nhatrangtoday.vn
Vài Nét Về Ẩm thực Ninh Hòa hấp dẫn du khách xa gần
Khi nhắc đến Khánh Hòa, mọi người đều nghĩ ngay đến hình ảnh thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Nhưng nếu đã quá quen với Nha Trang thì thử một lần đến với thị xã Ninh Hòa, từ phố biển đi 33 km về phía Bắc (theo Quốc lộ 1A), thị xã Ninh Hòa nằm tại ngã ba nơi giao nhau giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 26 đi Buôn Ma Thuột.
Ngoài những địa điểm du lịch được biết đến như Dốc Lếch cát trắng, bờ biển dài, nước trong xanh (không như biển Nha Trang khá dốc), hay vịnh Ninh Vân với nhiều khu resort sang trọng… thì Ninh Hòa có nhiều món đặc sản tuy dân dã nhưng bất cứ người con Ninh Hòa nào cũng cảm thấy tự hào khi nhắc đến quê hương mình và đặc biệt là mang đến một phong vị lạ cho những lữ khách một lần đến với Ninh Hòa.
1. Nem Ninh Hòa
Ninh Hòa nức tiếng đặc sản nem với nem chua, bởi thế tên gọi nem được gắn với tên của địa phương. Nem được chế biến cầu kỳ và thủ công để đảm bảo cho nem có độ dai và chua vừa phải. Thịt dùng để làm nem là thịt nạc đùi và thịt lưng giã nhuyễn liên tục bằng tay với độ mạnh nhẹ khác nhau rồi thì vừa giã vừa nêm gia vị muối, đường vừa ăn. Để thịt giã đạt độ nhuyễn, dai là cả một nghệ thuật mà người theo nghề lâu năm mới làm được. Cũng như nem chua của miền Tây, nem Ninh Hòa cũng dùng đến da heo để tạo độ sần sật cho món ăn. Da heo luộc vừa chín tới để ráo nước, nạo sạch mỡ, lạng mỏng thành nhiều lớp, xắt thành những sợi nhỏ rồi trộn với thịt đã giã nhuyễn. Từ hỗn hợp thịt giã và da heo, người ta có thể chế biến thành 3 loại nem là nem chua, nem nướng và nem chiên mỡ. Được biết nhiều nhất vẫn là nem chua.
Nem chua được gói trong một lớp lá chùm ruột dày và bọc bên ngoài là lớp lá chuối sau đó bó một khoanh có 20 cái. Việc bó thành 1 cặp nem có ý nghĩa rất hay, người ta nói nem được làm thành từng cặp đôi ý nói lên tình nghĩa vợ chồng, có đôi có cặp. Nem chua chấm với nước chấm tương ớt và tỏi, vị cay nồng của tương và vị thơm giòn đặc trưng của tỏi khi cắn cùng làm nên vị cay đậm hợp với vị chua của nem, đảm bảo ăn một lần không thể quên. Thường khi tới các quán nem, khách hay gọi nem phần. Nem phần gồm nem nướng và bánh tráng chiên giòn để món ăn giòn thơm. Nem nướng ăn với bún, bánh tráng, rau sống, chuối chát, khế chua, nước chấm được chế biến từ gạo nếp và các nguyên liệu khác tạo thành hỗn hợp sần sần, vị bùi bùi có màu vàng rất bắt mắt. Thấy người ta nướng nem là cơn thèm ăn của bạn lên ngùn ngụt rồi.
Bạn có thể ra khu chợ Dinh, hay tiệm nem bà Năm số 1 ở 50 Lê Lợi để thưởng thức đặc sản này.
2. Bún cá
Bún cá không phải chỉ Ninh Hòa mới có, một số tỉnh miền Trung như Quy Nhơn cũng có món này. Nhưng bún lá cá dầm chỉ duy nhất ở Ninh Hòa, hầu như đi đâu cũng thấy món này chứng tỏ tính phổ thông của nó. Cá dùng để nấu nước lèo là loại cá cờ biển được gỡ xương rồi dầm nhỏ thả vào nồi nước, nấu với ít cà chua và hành tươi. Món này ăn kèm với bún lá, rau sống mang hương vị đặc biệt của món ăn miền biển. Tại sao gọi lá bún lá? Vì bún được quấn tròn gọn gàng và nhỏ xinh vửa nắm tay trên lá chuối cũng được cắt tròn, khi xếp chồng lên không dính vào nhau. Làng Thanh Mỹ độc đáo với món bún này, màu trắng đục của tô bún lá cá dầm thoạt nhìn không có gì hấp dẫn nhưng cái vị dân dã của nó lại rất đặc biệt.
Cũng có một món bún cá khác ở Ninh Hòa là bún chả cá, ở thôn Ninh Đông có một quán bún cá khá nổi tiếng. Đi vào con hẻm của thôn với xung quanh là ruộng lúa, một không gian dân dã và thoáng đãng tuyệt vời. Quán là một ngôi nhà vách đất lấy khoảng sân làm chỗ đặt bàn, những chiếc bàn ghế gỗ thấp và nhỏ. Điều đặc biệt ở chỗ nguyên liệu làm nên tô bún cá gồm rau (xà lách thái nhỏ và giá), bún đến chả cá hấp, chả cá chiên, cá dầm đều được làm thủ công ngay tại nhà. Những hôm đông khách, người ta ngồi ngay chỗ bếp, thưởng thức tô bún nóng hổi. Hình ảnh những chiếc xe hơi đậu trong hẻm vào những ngày lễ hay cuối tuần và những vị khách sang trọng không phải là hiếm ở đây.
Cách thức làm món này khá đơn giản, hương vị cũng rất nhẹ nhàng, vị chua chua của cà chua, ngòn ngọt của cá tươi, cay cay của ớt, giòn giòn của rau ăn kèm tạo nên dư vị rất riêng. Món này ăn vào những ngày trời lạnh thì không có gì tuyệt vời bằng.
3. Bánh ướt
Bánh ướt ở đây khác xa ở Sài Gòn nên lần đầu tiên ăn món này, tôi chẳng biết xử lí thế nào. Bánh cũng được tráng mỏng nhưng người ta rắc tôm chấy và mỡ hẹ lên bánh, một lần tráng bánh thì phân ra thành 2 dĩa nhỏ, kiểu đĩa dừa mà người ở quê hay dùng (vì họa tiết giống như hình lá dừa được trang trí ở quai đĩa). Cách ăn ở đây cũng rất hay: dùng đôi đũa để ở mép bánh rồi lăn đũa vài vòng cho bánh cuộn lại, rút đũa ra rồi để đũa chéo ngắt bánh, sau đó gắp từng miếng bánh chấm với nước mắm hoặc mắm nêm, cũng có người gấp mép rồi ăn 1 lần cả cái cho gọn, tùy khẩu vị từng người mà thêm vào hẹ nhuyễn, chanh, ớt và ăn cùng xoài xanh bào (nếu có mùa xoài, mà cái ngộ là hễ tới mùa xoài là có nhiều món ăn kèm với thứ trái cây chua chua này). Để ăn no bụng thì trên dưới 10 dĩa, nghe thấy hoành tráng thật đấy nhưng mỗi dĩa là một bánh mỏng nên 10 dĩa là chuyện rất ư bình thường. Khách đông thì phải chịu khó đợi vì có một người đổ bánh thôi, đảm bảo là bánh luôn nóng hổi. Bạn có thể gọi thêm bánh hấp, bánh hấp chế biến gần giống vậy, cũng tráng bột gạo xong úp lên 1 cái bánh tráng dày rồi để trên cái xửng tráng bánh khi nãy đễ bánh tráng bao bên ngoài mềm đi một chút, món này ăn dai dai, lạ miệng.
Quán bánh ướt Cây số 1 là có tiếng nhất nhưng nếu muốn ăn rẻ hơn thì đi vào con hẻm bên cạnh, chất lượng không thua kém đâu nhé. Đây là phần ăn sáng được nhiều người lựa chọn, giá cũng rất bình dân. Nhiều người ở nước ngoài, khi trở về, nhắc đến bánh ướt số 1 thì hầu như ai cũng biết vì quán bán cũng khá lâu rồi.