Ghé Thăm Di Tích Đền Thờ Trần Quý Cáp Diên Khánh Khánh Hòa
Việc bảo vệ, tôn tạo Di tích lịch sử Trần Quý Cáp là trách nhiệm, là tình cảm của mọi người dân Diên Khánh - Khánh Hòa, nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, thể hiện tấm lòng tưởng nhớ và tri ân đối với những bậc tiền nhân đã hy sinh cho tổ quốc mãi mãi trường tồn.
Thông tin liên hệ
Địa chỉ:
khu vực Gò Chết Chém - TP. Nha Trang
Điện thoại:
Đang cập nhật
Email:
info@nhatrangtoday.vn
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Trần Quý Cáp mãi mãi là tấm gương ngời sáng trong lịch sử dân tộc và mãi mãi là nét son hồng trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa.
Đền thờ Trần Quý Cáp Khánh Hòa nằm ở đâu?
Đền Trần Quý Cáp hay còn được nhắc đến với tên Trung Liệt Điện tọa lạc tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đền được xây dựng ở khu vực Gò Chết Chém, cách cầu Sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp) khoảng 50m về phía Nam và cách di tích Thành Diên Khánh 1km về phía Tây Bắc.
Tiểu sử Trần Quý Cáp
Trần Quý Cáp lúc nhỏ tên là Nghị, sau đổi Quý Cáp, tự Dã Hàng, Thích Phu, hiệu là Thái Xuyên. Sinh năm 1870 (Canh Ngọ) tại thôn Thai La, làng Bất Nhị, nay là xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nhưng hiếu học. Lúc tuổi trẻ, ông đã nổi tiếng là một trong sáu học trò lỗi lạc của cụ Đốc học Mã sơn Trần Đình Phong tại trường Thanh Chiêm cùng với Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Phan Quang.
Năm 1904, đỗ Tiến sĩ, được vua Thành Thái bàn cờ “Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, xuất thân đệ nhất danh“ và biển “Ân tứ vinh quy“.
Năm 1905, ông cùng các đồng chí Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng định vào Nam hô hào công cuộc Duy Tân.
Năm 1907, Ông làm Giáo thọ ở phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông khởi xướng cách mạng giáo dục, dạy chữ quốc ngữ, tổ chức tập thể dục, cải cách y phục gọn gàng vì thế ông bị thuyên chuyển vào Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1908, nhân dân Quảng Nam nổi lên xin sưu, kháng thuế, sau lan ra nhiều tỉnh. Thực dân Pháp và Nam triều thẳng tay đàn áp. Các nhà cách mạng ở địa phương gửi tin tức vào cho Ông. Thư bị phát giác, Ông bị bắt và bị khép vào tội mưu phản, lãnh án bị chém ngang lưng tại Khánh Hòa ngày 17 tháng 5 năm 1908 ( Mậu Thân ). Sau này, di hài Ông được bạn bè và thân nhân đưa về an táng tại quê nhà.
Ông đã sống một đời khinh tài, trọng nghĩa, xứng đáng với tám chữ “Sanh ư đạo đức, Tử ư khí tiết“.
Ông mất đi, đất nước và tỉnh nhà mất đi một nhà yêu nước với chí hướng cải cách giáo dục, canh tân đất nước.
Tổ Quốc biết ơn ông, nhân dân nhớ thương ông. Ngày nay, tên tuổi ông được đặt tên cho các con đường, trường học … trên cả nước. Năm 1970, nhân dân Khánh Hòa lập đền thờ Trần Quý Cáp cùng với hai người lãnh đạo phong trào Cần Vương Khánh Hòa là Bình Tây đại tướng Trịnh Phong và Tham tán quân vụ Nguyễn Khanh, bên cầu sông Cạn gọi là “Trung liệt điện”.
Tổng quan về đền thờ Trần Quý Cáp Khánh Hòa nằm ở đâu?
Đền thờ này được xây dựng năm Canh Tuất 1970, với cấu trúc tân thời không mang những nét kiến trúc cổ đặc trưng như miếu Trịnh Phong hay các ngôi miếu khác trong vùng, đền thờ Trần Quý Cáp Diên Khánh mang đậm nét tân thời, là sự kết hợp khéo léo giữa lối kiến trúc đền đài pha lẫn hiện đại.
Năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập tỉnh Khánh Hòa và để thuận tiện cho việc xây dựng lại cầu sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp), đền đã được di dời lùi vào phía trong cách khu đền cũ khoảng 50m.
Miếu thấp nhỏ, xây theo lối cổ lầu, bốn mái kích thước bằng nhau quay theo 4 hướng. Bốn góc mái ở cổ lầu và mái hạ đều được đắp trang trí bằng các hoa văn, hoạ tiết rồng chầu đắp nổi theo lối tân thời. Miếu xoay về hướng Đông, nhìn xuống dòng sông Cạn. Trước miếu có cột cờ cao 3,5m, xây trên bồn nước hình lục giác.
Hai bên cột cờ, mỗi bên đều có “Lư vọng liệu“ cao tới 1,5m, ba chân chắc chắn cấu trúc hình móng cọp đặt trên bệ đúc tròn. Đây cũng được chọn dùng nơi để đốt bài vị trong những ngày tế lễ, hoặc đốt thắp sáng trong những ngày nhang khói.
Đền thờ Trần Quý Cáp có diện tích 12m2, toàn bộ nền đều được lát gạch hoa. Bên trong có một bảng hiệu lớn với dòng chữ “Trung nghị cảm nhận” được hiểu đơn giản là cảm phục người trung, bên cạnh đó là các câu đối cùng được đặt xung quanh vị trí này. Có rất nhiều câu đối ở đây được viết với ý nghĩa ca ngợi ý chí anh hùng, vì nước quên thân của những liệt sĩ.
Những câu đối ở phía sau khám thờ được viết riêng cho Trần Quý Cáp để ca ngợi một người chí sĩ yêu nước, một nhà giáo dục lớn, có công với đất nước. Tại chính điện có khắc tên 3 vị liệt sĩ: Phía phải là Diên Khánh Cần Vương tham tán quân vụ Nguyễn Khanh; Ở chính giữa là Quảng Nam Sung Tân Định Giáo thọ Trần Quý Cáp; Phía trái là Khánh Hòa Cần Vương, nghĩa quân đại vương Trịnh Phong.
Hai bên tường hồi giới thiệu một số hình ảnh về lăng mộ ở quê hương Trần Quý Cáp và văn thơ các bạn đồng lứa khóc thương cụ Trần khi nghe tin ông bị xử tử ở Khánh Hòa.
Bên cạnh đền là cây lồng mức cổ thụ, nơi ghi dấu tội ác của chế độ thực dân phong kiến đã xử tử biết bao chiến sĩ trong các phong trào cách mạng nước ta; phía trên trước mặt đền đắp nổi 3 chữ “TRUNG LIỆT ĐIỆN”.
Hằng năm, vào ngày 17/5 âm lịch, là ngày mất của chí sĩ Trần Quý Cáp, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân và các em thiếu nhi của Thị Trấn và huyện Diên Khánh cùng gia đình đến thắp hương tưởng niệm người chí sĩ yêu nước Quảng Nam đã hy sinh trên mảnh đất Diên Khánh -Khánh Hòa.
Đền thờ Trần Quý Cáp Khánh Hòa đã được Bộ văn hóa thông tin công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1991. Chắc hẳn, với mỗi người dân của mảnh đất Diên Khánh thì đây là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Với mong muốn gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu từ đời xưa để lại cho đến nay, việc tôn tạo và bảo vệ di tích đền thờ Trần Quý Cáp không còn là trách nhiệm, mà là tình cảm của người dân Diên Khánh – Khánh Hòa thể hiện sự biết ơn đến vị chí sĩ yêu nước đã hi sinh độc lập cho dân tộc.
Đến với Nha Trang ngoài tham quan những điểm du lịch hấp dẫn, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan đền thờ Trần Quý Cáp Diên Khánh Khánh Hòa bạn nhé.