Thành Cổ Diên Khánh - Kiến Trúc Vauban Đẹp Nhất Nha Trang
Thành cổ Diên Khánh là nơi canh gác, quan sát trong, ngoài thành. Toàn bộ cổng thành không trang trí, tên cổng ghi bằng chữ Hán. Nhìn tổng thể, cổng thành mang dáng vẽ kiến trúc Á Đông thời ấy. Hiện nay, chỉ hai cổng Đông và Tây còn trọn vẹn.
Thông tin liên hệ
Địa chỉ:
khóm Đông Môn - TP. Nha Trang
Điện thoại:
Đang cập nhật
Email:
info@nhatrangtoday.vn
Thành Cổ Diên Khánh Và Những Chứng Tích Một Thời
Hoàng thành Thăng Long, kinh thành Huế và thành Diên Khánh là 3 ngôi thành cổ còn tương đối nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu ở nước ta. Trong đó, thành Diên Khánh từng có một vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Trung bộ, lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử và mang một vẻ đẹp riêng biệt, nhưng ít người biết đến.
Từ thời chúa Nguyễn, địa danh Diên Khánh là phủ, nay là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố Nha Trang về phía Tây gần 10km và cách thành phố Cam Ranh về phía Bắc 35km.
Diên Khánh có đường xe lửa và Quốc lộ 1 chạy ngang qua, hợp cùng 2 thành phố Nha Trang và Cam Ranh tạo thành tam giác phát triển kinh tế và du lịch đầy tiềm năng, vừa có biển vừa có rừng xen lẫn đồng bằng, sông ngòi với nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử.
Sau khi tắm biển Nha Trang hay Cam Ranh, du khách có thể đến Diên Khánh lần lượt tham quan cây dầu đôi, dâng hương miếu thờ tướng Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp, Văn miếu, thăm nhà thờ Hà Dừa, khu tưởng niệm bác sĩ Yersin và nghỉ ngơi thư giãn ở dòng suối Tiên thơ mộng vốn phát nguyên từ dãy Hòn Bà uy nghi… Tất nhiên, đến Diên Khánh du khách không thể bỏ qua ngôi thành cổ hiếm có gắn liền bao dấu tích lịch sử thăng trầm.
Thành cổ Diên Khánh là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Hiện nay, thành cổ Diên Khánh vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ ban đầu, một địa điểm hấp dẫn các du khách đến Nha Trang.
Thành Diên Khánh Nha Trang ở đâu?
Thành Diên Khánh nằm cách thành phố Nha Trang 10 km về phía Tây, bên phải quốc lộ 1.Từ thành phố Nha Trang, đi đường 23/10 đến thị trấn Diên Khánh, rẽ phải vào đường Lý Tự Trọng, đi khoảng 500m là đến cổng Đông của Thành Diên Khánh.
Lịch sử hình thành của thành Diên Khánh
Thành được xây dựng vào năm 1793 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn Ánh quyết xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc, một vành đai phòng ngự kiên cố từ xa.
Hoàng tử Cảnh đã trực tiếp trông coi việc xây dựng thành Diên Khánh. Nhân lực để đắp thành gồm 3.000 quân Bình Thuận, 100 dân Thuận Thành và trong hơn một tháng thì xong. Nơi đây từng là trung tâm chính trị, hành chính của dinh Bình Khang (ngày nay là huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) và cũng là di sản văn hóa có giá trị nhiều mặt về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử và quân sự.
Cấu trúc độc đáo và lạ mắt của thành cổ Diên Khánh
Lúc xây dựng, thành được xây trên khu đất trống, có hình dáng nhô cao như lưng con rùa là linh vật tượng trưng cho sự trường tồn, vững chãi. Phía ngoài là hệ thống hào sâu. Phía trong có hai bậc thang dùng làm đường lên xuống.
Các góc Thành được đắp nhô ra ngoài để dễ dàng quan sát hai bên. Bên trong mỗi góc được đắp thành một khoảng đất rộng dùng làm chỗ trú quân. Mỗi góc thành đều đắp một ụ đất cao khoảng 2m để đặt súng đại bác, gọi là pháo đài góc. Đây là đặc điểm nổi bật của kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban.
Trên thành được trồng nhiều tre, cây có gai để tăng độ bền của thành và tạo thành một hàng rào phòng ngự theo truyền thống của người Việt. Hệ thống hào bên ngoài thành sâu từ 3m đến 5m, rộng hẹp không đều nhau tùy theo địa hình.
Dưới lòng hào thường xuyên có nước và có nhiều chướng ngại vật. Phía ngoài hào có đường hào ngoại. Vào trong thành phải đi qua cầu bắc qua hào nước.
Diện tích và chu vi
Thành cổ Diên Khánh có diện tích khoảng 36.000 m² là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào lúc bấy giờ ở Tây Âu. Tường thành hình lục giác nhưng không đều nhau, có chu vi 2.693 m đắp bằng đất, các góc được đắp nhô ra để tăng tầm quan sát, cao khoảng 3,5 m.
Trên mỗi cạnh, tường thành lại chia thành nhiều đoạn nhỏ, uốn lượn, nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn đảm bảo quan sát được hai bên. Mặt ngoài tường thành gần như dựng đứng, mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành.
Các cổng được xây bằng gạch nung cỡ 4,5cm x 14cm x 28cm, trát vôi vữa, tạo thành một hình khối dài khoảng 15m. Vòm cuốn ở giữa rộng 2,88m, cao 2,44m tạo thành lối đi phía dưới. Mặt ngoài Thành xây thẳng đứng, mặt trong xây tường gạch cao 1,7m dài 5m. Đường đi trên bờ thành rộng 5,35m.
Hai bên các cổng xây bậc cấp rộng 3m để đi lên phía trên cổng Thành.
Phía trên cổng Thành xây lầu tứ giác với mỗi cạnh 3,30m; bốn cửa ở bốn hướng rộng 1,30m, cao 2,5m; trên cùng là cổ lầu có mái uốn cong lợp ngói âm dương. Cổ lầu cao 4,1m so với nền. Hai bên lầu tứ giác được xây lan can cao 0,85cm.
Nối liền với bốn cổng là hệ thống tường thành đắp bằng đất thoai thoải phía bên trong, hơi thẳng đứng phía bên ngoài. Các đoạn tường thàng bằng đất không còn nối liền mạch như xưa; tổng chiều dài tường thành bằng đất hiện nay dài 1.656m, cao 3m, bề mặt rộng 5m.
Hàng ngày nhân dân vẫn đi qua dưới các cổng Thành, ngoại trừ cổng Hậu nằm phía sau trường Mẫu giáo của thị trấn Diên Khánh.
Trước đây trong thành có hoàng cung, bên trái là dinh Tuần Vũ, phía sau là dinh Án Sát, sau nữa là dinh Lãnh Binh, phía dưới là dinh Tham Tri, có nhà kho, nhà lao kiên cố. Khi xây xong, thành Diên Khánh do hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc chỉ huy trấn giữ. Theo một số tư liệu cũ, bên trong thành có nhiều kiến trúc độc đáo như hoàng cung, cột cờ, dinh tuần vũ, dinh ám sát, nhà kho.
Thành Diên Khánh cũng có thời kỳ trở thành tổng hành dinh của nghĩa quân Cần Vương, Khánh Hòa trong những ngày đầu chống Pháp.
Vị trí các cổng Thành
Ban đầu thành có 6 cửa (cổng thành), hiện nay chỉ còn 4 cửa Ðông - Tây - Tiền (phía Nam) - Hậu (phía Bắc). Cửa Đông đi từ đường 23/10 rẻ phải vào Lý Thường Kiệt, qua trường THCS Phan Chu Trinh, THPT Hoàng Hoa Thám , trường mầm non Hoa Phượng sẽ gặp ngay cửa Đôn, từ đây sẽ đi vào thị trấn Diên Khánh. Đi thêm 700m nữ gặp cửa Tây.
Cửa Tiền nằm trên trục đường phía Nam thị trấn, gần Ban chỉ huy quân sự huyện Diên Khánh. Cửa Hậu nằm sâu trong một ngõ hẻm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau lưng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Diên Khánh. Nếu các cửa kia nằm trên đường giao thông thì cửa Hậu lại nằm trong một khu vực hoang vắng, bị cây cỏ dại bao phủ.
Đi từ hướng quốc lộ 1 có một con đường độc đạo nối của Đông và cửa Tây của thành. Con đường chạy vòng bên ngoài thành nối quốc lộ 1 và của Tây có tên là Mã Xá. Đối diện và cách cửa Tây khoảng 200 m, là Nhà thờ Hà Dừa. Nhà thờ Hà Dừa được cho là do các nhà truyền đạo xây và những năm 1800 và Gác chuông được xây thêm vào năm 1917 bởi người Pháp.
Phục dựng di tích, phát triển du lịch
Trải qua lịch sử hơn 200 năm, Thành cổ Diên Khánh đã chứng kiến bao biến động, thăng trầm của xã hội thời phong kiến cũng như cuộc đấu tranh của nhân dân Khánh Hòa trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Ghi nhận những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Thành cổ Diên Khánh, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa ban hành quyết định số 1288/VH-QĐ xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.
Cùng với sự bào mòn của thời gian, tòa Thành đã bị rêu phong và xói mòn mất nhiều đoạn tường đất, hào thành. Năm 2003, Thành Diên Khánh đã được trùng tu, sơn sửa bốn cổng, gia cố những nơi bị nứt tường giột nước mưa và một số đoạn tường thành.
Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hoà tiến hành dự án tu bổ Thành Diên Khánh và khoanh vùng các khu vực bảo vệ nhằm tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định di dời các cơ quan hành chính, quân sự khỏi nội thành Diên Khánh để biến nơi đây thành phố đi bộ và dần phục hồi các công trình mang dấu tích lịch sử để phục vụ du lịch.
Về đây, du khách sẽ thấy được một công trình kiến trúc cổ độc đáo thể hiện trí tuệ, công sức và bàn tay tài hoa của cha ông qua từng viên gạch đến cổng thành hoành tráng.
Khi trèo lên các cổng thành ngắm quang cảnh xung quanh sẽ như nghe âm vọng đâu đây tiếng ngựa hí, gươm khua trong bước chân tiền nhân một thời khẩn hoang mở cõi, dựng và giữ nước. Mọi thứ có thể mất đi nhưng văn hóa sẽ mãi còn lại, thành cổ Diên Khánh Nha Trang là một trong những minh chứng người Việt cần tìm về để hiểu hơn nguồn cội.